I. Giới thiệu chung
Việt Nam là một nước nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, thuộc phía Đông của bán đảo Đông Dương, do chịu ảnh hưởng của nhiệt đới gió mùa nên Viêt Nam có lượng mưa khá cao. Lượng mưa này, ngoài phần bốc hơi sẽ là nguồn cung cấp cho nước ngầm và hình thành dòng chảy bề mặt của các sông, suối…
Nước trong tự nhiên thường được chia thành bốn nhóm:
- Nước mưa
- Nước mặt
- Nước ngầm
- Nước trong không khí, đá, đất và các sinh vật sống
II. Đặc điểm, thành phần và tính chất của nước mặt.
Nước mặt dùng để chỉ các loại nước lưu thông hoặc chứa trên bề mặt lục địa, mặt nước tiếp xúc với không khí: nước sông, suối, ao, hồ….
Thành phần hóa học của nước mặt phụ thuộc vào tính chất đất đai nơi mà dòng nước chảy qua đến các thủy vực, chất lượng nước mặt còn chịu ảnh hưởng bởi các quá trình tự nhiên( mưa lũ, hoạt động sống và chết đi của hệ sinh vật nước,…) cũng như hoạt động của con người. Trên cùng một con sông, chất lượng nước thường xuyên thay đổi đáng kể theo thời gian và không gian.
Thành phần và tính chất của nước mặt
- Trong nước thường xuyên có các chất khí hòa tan, chủ yếu là ôxy. Ôxy hòa tan trong nước có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống của các thủy sinh vật.
- Nước mặt thường có hàm lượng chất rắn lơ lửng đáng kể với các kích thước khác nhau, một số trong chúng có khả năng lắng tự nhiên, chất lơ lửng có kích thước hạt keo thường gây ra độ đục của nước sông, hồ.
- Có nhiều chất hữu cơ do sinh vật bị phân hủy
- Có nhiều rong tảo, thực vật nổi, động vật nổi
- Chất lượng nước thay đổi theo mùa
- Bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi hoạt động hai bên bờ của con người (công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt…). Đây là nguyên nhân chính làm thay đổi mạnh mẽ thành phần hóa, lý, sinh học, và tác động tức thời đến nước mặt.
- Nước mặt bị ảnh hưởng bởi nước thải của nhà máy chế biến thực phẩm và nước thải sinh hoạt thường có hàm lượng chất hữu cơ cao (P, N cao) vì vậy số lượng các vi sinh vật và sinh vật tăng cao. Nước mặt nếu bị ảnh hưởng bởi nước thải của các nhà máy hóa chất, giấy, dệt nhuôm, mạ, cơ khí thì trong nước mặt có nhiều hóa chất độc hại, kim loại nặng… Nước mặt nếu bị ảnh hưởng bởi nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, y tế thì có nguy cơ chứa nhiều các vi khuẩn, sinh vật gây bệnh nguy hiểm. Tóm lại thành phần hóa lý, sinh học của nước mặt phụ thuộc chủ yếu vào nguồn tác động.
III. Đặc điểm, thành phần và tính chất của nước ngầm.
Việt Nam là quốc gia có nguồn nước ngầm khá phong phú về trữ lượng và khá tốt về chất lượng. Nước ngầm tồn tại trong các lỗ hổng và các khe nứt của đất đá, được tạo thành trong giai đoạn trầm tích hoặc do thẩm thấu, thấm của nguồn nước mặt, nước mưa… nước ngầm có thể tồn tại cách mặt đất vài trăm mét.
Đối với hệ thống nước cấp cộng đồng thì nguồn nước ngầm luôn luôn là nguồn nước được ưa thích. Bởi vì, các nguồn nước mặt thường bị ô nhiễm và lưu lượng khai thác phải phụ thuộc vào sự biến động theo mùa. Nguồn nước ngầm ít bị chịu ảnh hưởng bởi các tác động của môi trường và con người. Chất lượng nước ngầm tốt hơn nhiều so với nước mặt. Trong nước ngầm hầu như không có các hạt keo hay hạt lơ lửng , và vi sinh, vi trùng gây bệnh thấp.
Các nguồn nước ngầm hầu như không chứa rong tảo, một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Thành phần đáng quan tâm trong nước ngầm là các tạp chất hòa tan do ảnh hưởng của điều kiện địa tầng, thời tiết, nắng mưa, các quá trình phong hóa và sinh hóa trong khu vực. Ở những vùng có điều kiện phong hóa tốt, có nhiều chất bẩn và lượng mưa lớn thì chất lượng nước ngầm dễ bị ô nhiễm bởi các tạp chất hữu cơ
• Thành phần và tính chất của nước ngầm
Nước tầng nông có trữ lượng thấp, không áp, dễ bị nhiễm bẩn. Và ngược lại đối với tầng sâu trữ lượng cao, có áp và khả năng bị nhiễm bẩn thấp hơn.
Nước ngầm thường không có ôxy hòa tan, nhưng có nhiều CO2 và các chất hòa tan ( sắt, mangan, acsen…)
pH nước ngầm khá thấp, thường dao động từ 3 - 6
Sự có mặt của một số thành phần ô nhiễm của nguồn nước ngầm nơi đó ( hàm lượng phốtpho, nitơ, E.coli….)
|
Một số đặc điểm của nước ngầm và nước mặt |